Ngày đăng: Thứ ba, 25/08/2020
Xem với cỡ chữ

Tuyên Quang: Tiềm năng phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP

 Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, tất cả các xã đã xác định được sản phẩm có lợi thế, 7/7 huyện, thành phố xây dựng được ít nhất 1 sản phẩm chủ lực. Toàn tỉnh đã có 47 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, với những thế mạnh trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, Tuyên Quang có tiềm năng lớn để phát triển thêm nhiều sản phẩm mang tên OCOP.
 
 
Sở Nông nghiệp và PTNT đang tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đợt 1 năm 2020 với 74 sản phẩm có lợi thế của các địa phương trong tỉnh để công nhận sản phẩm OCOP. Xác định tầm quan trọng của việc được công nhận sản phẩm OCOP nên các xã đã tập trung rà soát, nắm chắc các sản phẩm lợi thế, chú trọng khuyến khích hợp tác xã và nhân dân đầu tư cải tiến, thâm canh nâng cao chất lượng, năng suất của các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời có kế hoạch, lộ trình xây dựng sản phẩm OCOP cho từng năm.

Hiện nay huyện Hàm Yên đã có 5 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu gồm: Cam sành Hàm Yên, vịt bầu Minh Hương, cá chiên đặc sản Thái Hòa, chè Tân Thái Dương 168, Đại bạch trà. Ngoài ra, huyện còn có 6 sản phẩm khác đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ gồm: Chè Bạch Xa, chè xanh làng Bát, gạo Minh Hương, trâu Hàm Yên, bưởi Đức Ninh. Ngoài ra, nhiều xã cũng đang hướng tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm gà thiến Đèo Ẳng, xã Bình Xa; táo và thanh long xã Yên Phú, chè Khánh Hòa, xã Thái Hòa…
 

Cá Na Hang đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa là cơ sở để xây dựng sản phẩm OCOP.

Ông Ngô Minh Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Minh Hương (Hàm Yên) cho biết, hiện nay, xã đã hoàn thiện hồ sơ để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 2 sản phẩm là vịt bầu và gạo Minh Hương. Bên cạnh đó, xã cũng xây dựng kế hoạch để phấn đấu đưa sản phẩm chè Khánh Hòa thành nhãn hiệu vào năm 2021. Xác định đây là sản phẩm có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP nên từ 3 năm liên tiếp, xã đã thu hút 3 dự án hỗ trợ kỹ thuật và giống chè cho trên 100 hộ dân trồng chè chuyển đổi giống chè cũ sang trồng giống chè mới năng suất cao với diện tích 40 ha.

Huyện Yên Sơn hiện có 17 sản phẩm đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa. Đợt 1 năm 2020, huyện lựa chọn 10 sản phẩm để làm hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ngoài ra, huyện đã hướng dẫn 6 chủ thể là hợp tác xã hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa để tham gia chương trình OCOP đối với một số sản phẩm khác như: Tơ tằm, măng khô Tân Long, cá đặc sản Chiêu Yên, rau an toàn Trung Môn, mật ong Hùng Lợi, trứng gà Bùi Hùng xã Mỹ Bằng…
 

Mật ong Tuyên Quang đang xây dựng trở thành sản phẩm OCOP.

Anh Bùi Hải Khánh, tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi gà chất lượng cao xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) cho biết: phấn đấu đưa sản phẩm trứng gà sạch trở thành sản phẩm OCOP nên từ 2 năm trở lại đây, các thành viên trong tổ hợp tác đã cải tiến quy trình chăn nuôi gà thịt lấy trứng theo hướng chặt chẽ, an toàn sinh học. Đồng thời nâng cấp về quy mô, tổng đàn lên nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu cung cấp trứng ra thị trường. Quy trình chọn con giống, chế biến thức ăn và chọn gà mẹ đẻ trứng được áp dụng theo một quy trình nghiêm ngặt hơn trước đây. Hiện nay, tổ có 20 thành viên chăn nuôi gà thịt đẻ trứng với tổng đàn trên 1 nghìn con, mỗi tháng xuất bán ra thị trường trên 1 vạn quả trứng.

Theo ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Sơn, sở dĩ đến nay huyện xây dựng được nhiều nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa và xác định được các sản phẩm để tham gia chương trình OCOP là do huyện đã chủ động xác định được các sản phẩm có tiềm năng từ sớm để quan tâm đầu tư, thu hút các dự án, chương trình hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vốn đối với các chủ thể. Từ đó họ có điều kiện để đổi mới quy trình sản xuất, thâm canh, nâng cao chất lượng, nâng tầm giá trị sản phẩm.
 

Chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang) đã có nhãn hiệu hàng hóa,  là cơ sở thuận lợi để xây dựng sản phẩm OCOP.  Ảnh: Quốc Việt
 
Xã An Khang (TP Tuyên Quang) hiện có 2 sản phẩm đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa là Mật ong Tuyên Quang và gà đỏ Đồng Dầy. Hai sản phẩm này cũng đã hoàn thiện hồ sơ để được công nhận sản phẩm OCOP. Ngoài hai sản phẩm này, xã cũng đang tập trung xây dựng nhãn An Khang trở thành nhãn hiệu hàng hóa để từ đó tham gia chương trình OCOP.

 Nhận diện và phát huy tiềm năng của mỗi sản phẩm để xây dựng thành sản phẩm OCOP là khâu quan trọng để mỗi địa phương chủ động, có lộ trình đầu tư, khuyến khích nhân dân tham gia chương trình, làm cho sản phẩm của mỗi địa phương ngày càng đa dạng, phong phú.
Nguồn: langngheviet.com.vn
@latest_posts(['rows' => $latestPosts]) @endlatest_posts
video photo

Liên kết website