Ngày đăng: Thứ tư, 14/07/2021
Xem với cỡ chữ

Hội nghị đầu bờ “Mô hình chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ” tại tỉnh Tuyên Quang

 

        Sáng ngày 13 tháng 7 năm 2021, tại Hội trường UBND xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Tuyên Quang phối hợp với UBND xã Đông Thọ tổ chức Hội nghị đầu bờ “Mô hình chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ” thuộc dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo phương pháp hữu cơ tại tỉnh Tuyên Quang." 

Tham dự hội nghị có Lãnh đạo Sở khoa học và Công nghệ; Đại diện Chi cục chăn nuôi thú y- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; đại diện phòng nông nghiệp huyện Sơn Dương, chính quyền xã Đông Thọ và đại diện các hộ dân trong xã. Về phía đơn vị chủ trì có lãnh đạo và các viên chức của Trung tâm tham dự.

Ông Đỗ ĐìnhHuy – GĐ Trung tâm, CNDA phát biểu khai mạc Hội nghị

 Dự án do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Tuyên Quang chủ trì thực hiện từ tháng 01/2019 đến tháng 6/2021 với 02 mô hình là: “Mô hình trồng rau theo phương pháp hữu cơ” và “Mô hình chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ”. Theo đó, mô hình chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ được triển khai từ tháng 01/2021 đến tháng 7/2021 với quy mô 60 con lợn giống được thực hiện tại 03 hộ dân, cụ thể: Gia đình ông Lê Văn Hoan tại thôn 7, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn với quy mô 15 con; gia đình Bà Đặng Thị Sinh tại thôn Hòa Mục, xã Thái Long, thành phố Tuyên Quang với quy mô 20 con; gia đình Ông Võ Đại Hiệp tại thôn Xạ Hương, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương với quy mô 25 con.

 Trước thời điểm xuống giống lợn khoảng 3 tháng, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn các hộ gieo trồng các loại hạt/cây giống theo phương pháp hữu cơ đảm bảo không sử dụng phân bón, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu hóa học trong suốt quá trình chăm sóc, thu hoạch để đảm bảo nguồn thức ăn an toàn, chất lượng phục vụ cho đàn lợn sau này. Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ dân đã được cán bộ kỹ thuật tập huấn kiến thức về chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ bao gồm: kỹ thuật làm đệm lót sinh học để khử mùi hôi của chất thải, thiết kế và chuẩn bị chuồng trại, xây dựng và phối trộn các nguyên liệu trong khẩu phần ăn cho lợn, vệ sinh chuồng trại và phòng trị bệnh theo phương pháp hữu cơ...

Sau 7 tháng thực hiện, tại các mô hình đàn lợn sinh trưởng và phát triển tương đối đồng đều và hàng tháng đều có mức tăng trọng lượng tốt, cụ thể: khi xuống con giống đạt 10,7kg/con, trọng lượng trung bình đến thời điểm hiện tại là 83,9kg/con.

Đàn lợn nhà Ông Võ Đại Hiệp, thôn Xạ Hương, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương

 Sau khi tham gia mô hình của dự án, các hộ dân đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ, từ đó tiếp tục nhân rộng và hỗ trợ các hộ dân trong xã để cùng nhau phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đảm bảo mục tiêu tạo ra sản phẩm sạch và an toàn cho người sử dụng.Việc sử dụng chế phẩm vi sinh vật để làm đệm lót và ủ thức ăn đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp các hộ dân giảm bớt được công chăm sóc, tận dụng được nguồn chất thải làm phân bón cho cây trồng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe của con người, hướng đến một phương thức sản xuất bền vững để phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương.

Mô hình chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ đã tạo ra được sản phẩm thịt lợn sạch, thơm ngon, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng, tìm mua./.

Bài, ảnh: Hoàng Việt

 

@latest_posts(['rows' => $latestPosts]) @endlatest_posts
video photo

Liên kết website