Ngày đăng: Thứ sáu, 17/09/2021
Xem với cỡ chữ

Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các mô hình thuộc Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng đàn bò và chế biến thức ăn thô cho chăn nuôi bò thịt tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang”.

Sáng ngày 17-9, tại Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh Tuyên Quang, Hội đồng nghiệm thu mô hình đã tổ chức Hội nghị đánh giá, nghiệm thu các mô hình thuộc dự án Nông thôn miền núi do Trung ương quản lý.

            Tham dự họp đánh giá nghiệm thu, đại diện cơ quan chủ trì có đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, 05 thành viên Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở do đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn làm chủ tịch, cùng các uỷ viên có trình độ chuyên môn sâu liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của Dự án.

Dự án do Công ty TNHH MTV dịch vụ thương mại Hồng Ánh chủ trì thực hiện, kỹ sư Đỗ Xuân Hồng làm chủ nhiệm, tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ là Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì. Dự án bao gồm bốn mô hình: mô hình chăn nuôi bò tập trung; mô hình chăn nuôi bò phân tán; mô hình trồng cỏ thâm canh và chế biến thức ăn xanh thô; mô hình chế biến thức ăn thô (ủ chua thức ăn cho bò).

 

Toàn cảnh cuộc họp đánh giá nghiệm thu, cơ sở dự án

 Tại buổi đánh giá, nghiệm thu các mô hình, Ông Phùng Quang Trường, Trưởng phòng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì tại Hà Nội đã trình bày khái quát quá trình thực hiện dự án. Dự án được thực hiện từ tháng 8 năm 2018 đến tháng 7 năm 2021 với mục tiêu: Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lai tạo để nâng cao chất lượng đàn bò của địa phương và trồng, chế biến thức ăn thô cho bò trên địa bàn huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Các mô hình tập trung được triển khai ngay trên diện tích đất của đơn vị chủ trì nên công tác quản lý, chăm sóc, theo dõi đàn bò, bê luôn được thực hiện kịp thời và đúng quy trình. Mô hình chăn nuôi bò tập trung với quy mô 70 bò cái Zebu sinh sản, 01 con bò đực ¾ máu Brahman đỏ, bê 49 con; đào tạo được 5 kỹ thuật viên làm chủ được 7 quy trình công nghệ tiếp nhận từ các tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ. Mô hình chăn nuôi bò phân tán xây dựng được 8-10 mô hình chăn nuôi phân tán, quy mô 5-10 con/hộ/mô hình sử dụng bò đực ¾ máu Brahman đỏ nhảy trực tiếp hoặc phối giống bằng thụ tinh nhân tạo, tạo ra 100 bê lai trong thời gian thực hiện dự án. Mô hình trồng cỏ thâm canh và chế biến thức ăn xanh thô, trồng thâm canh 25 ha gồm cỏ Voi lai (VA06…), ngô lai, mulato, cây họ đậu làm thức ăn cho bò. Mô hình chế biến thức ăn thô (ủ chua thức ăn cho bò) chuyển giao, tiếp thu quy trình kỹ thuật chế biến (ủ chua) cỏ, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò, đào tạo 5 kỹ thuật viên làm chủ được công nghệ và tập huấn cho 200 lượt nông dân trong vùng dự án tiếp thu kỹ thuật trong trồng cỏ thâm canh và chế biến thức ăn thô canh chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt để hội đồng đánh giá nghiệm thu.

Sau khi nghe ý kiến từng thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý dự án nhận xét, đánh giá. Đơn vị thực hiện dự án đã tiếp thu ý kiến góp ý của Hội đồng đánh giá, đồng thời đề nghị các thành viên trong nhóm thực hiện dự án tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi trình Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh theo quy định.

Phát biều kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Hải Nam, Chủ tịch Hội đồng nhất trí với các nhận xét, đánh giá, phản biện của các thành viên Hội đồng, đồng thời đánh giá cao kết quả của Dự án. Dự án được Hội đồng nghiệm thu cơ sở đánh giá đạt yêu cầu để trình Hội đồng đánh giá, nghiệm thu Dự án cấp tỉnh.

Bài, ảnh: Thu Huyền

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

@latest_posts(['rows' => $latestPosts]) @endlatest_posts
video photo

Liên kết website