Ngày đăng: Thứ hai, 10/05/2021
Xem với cỡ chữ

Sửa đổi, bổ sung phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo và xin ý kiến rộng rãi về Luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Theo Bộ này thì Luật Thống kê là văn bản pháp lý chủ đạo, là nền tảng để hình thành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn bộ lĩnh vực hoạt động thống kê ở nước ta. Hiện tại đã có 110/186 chỉ tiêu (chiếm 59,14%) đã được thu thập, tổng hợp và công bố đầy đủ các phân tổ. Tuy nhiên, sau khi ban hành, Luật Thống kê cũng tồn tại những bất cập, nhất là về số lượng và chất lượng số liệu thống kê, tạo nên khó khăn, thách thức yêu cầu cần phải tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế và phù hợp hơn với điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của đất nước.

Luật Thống kê - công cụ quản lý vĩ mô quan trọng

Luật Thống kê được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 23/11/2015. Đây là văn bản pháp lý chủ đạo, nền tảng để hình thành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn bộ lĩnh vực hoạt động thống kê ở nước ta. Luật Thống kê ra đời khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê, là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, có vai trò cung cấp thông tin thống kê một cách trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời phục vụ các cơ quan nhà nước trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Ban hành kèm theo Luật Thống kê là Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 20 lĩnh vực với 186 chỉ tiêu thống kê. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì danh mục này đã đáp ứng được nhu cầu thông tin thống kê phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nền kinh tế - xã hội của các cơ quan Đảng và Nhà nước trong thời gian qua. Thông tin thống kê ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng và độ tin cậy. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng sử dụng thông tin thống kê ngày càng nhiều và đa dạng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tiến hành rà soát tình hình thu thập, tổng hợp và công bố các chỉ tiêu thống kê quốc gia. Kết quả được thể hiện như bảng dưới đây:

TT

Tình hình thực hiện

Số lượng
chỉ tiêu

Tỷ lệ
(%)

1

Thu thập, tổng hợp và công bố đầy đủ các phân tổ

110

59,14

2

Thu thập, tổng hợp và công bố một số phân tổ

67

36,02

2

Chưa thu thập, tổng hợp

9

 4,84

 

Tổng số

186

100,00

 

Chưa phản ánh được đầy đủ thực tiễn đang vận động

Theo cơ quan dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê thì Luật Thống kê chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn đang vận động của đời sống kinh tế - xã hội, như chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của Chính phủ, của nhà nước đối với công tác quản lý vận hành đất nước trong quá trình phát triển và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể:

Một làvề công nghệ thông tin và truyền thông: thiếu các chỉ tiêu phản ánh đổi mới sáng tạo toàn cầu, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia, như: tỷ lệ hộ gia đình có máy tính, tỷ lệ người sở hữu điện thoại di động, lưu lượng Internet băng rộng...; thiếu các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, như: số doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông...; thiếu các chỉ tiêu phản ánh mức độ ứng dụng công nghệ (chữ ký số) hay các chỉ tiêu thể hiện năng lực cạnh tranh quốc gia như: tỷ lệ người dân biết kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông, mức hưởng thụ báo chí bình quân, tỷ lệ người Việt Nam tham gia mạng xã hội...

Hai là về phát triển bền vững: thiếu các chỉ tiêu phản ánh an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững như: tỷ lệ mất an ninh lương thực mức độ vừa và nghiêm trọng trong dân số; tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững....

Sửa đổi và loại bỏ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Luật Thống kê có một số chỉ tiêu thống kê trong danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cần được sửa đổi hoặc loại bỏ để phù hợp với thực tiễn, các mục tiêu phục vụ công tác quản lý, điều hành hay thông lệ quốc tế, cụ thể:

Một là, sửa tên của chỉ tiêu để phù hợp với tình hình thực tế, quy định hiện hành và thông lệ quốc tế như: sửa tên chỉ tiêu “Xuất siêu, nhập siêu hàng hoá ” thành “Cán cân thương mại hàng hóa " vì tên “Xuất siêu, nhập siêu hàng hóa” không thể hiện được hết 3 trạng thái: thặng dư (xuất siêu), thâm hụt (nhập siêu) và cân bằng của cán cân thương mại hàng hóa.

Hai là, một số chỉ tiêu cần loại bỏ do không phù hợp với tình hình hiện nay, như: bỏ chỉ tiêu “0709. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam và Việt Nam ra nước ngoài” vì chỉ tiêu này đã bao gồm trong cán cân thanh toán quốc tế; bỏ chỉ tiêu “1405. Chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị” vì hiện nay dữ liệu để tính toán chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị không đầy đủ, không đồng nhất nên việc tính toán chỉ số này không khả thi trong thực tế. Mặt khác đổi mới công nghệ, thiết bị chỉ là một phần của hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, không mang tính bao quát.

Ba là, nội dung của một số chỉ tiêu trong danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cần được sửa đổi, điều chỉnh về khái niệm, phương pháp tính, phân tổ, nguồn số liệu, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp để phù hợp với các quy định của văn bản pháp luật chuyên ngành hiện hành.

Bất cập trong thực thi

Với tư cách là cơ quan soạn thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những nghiên cứu, tìm hiểu và chỉ ra một số bất cập trong thực thi Luật Thống kê, cụ thể:

Thứ nhất, việc phối hợp thực hiện công tác thống kê nói chung cũng như chia sẻ thông tin thống kê nói riêng chưa hiệu quả; việc hỗ trợ triển khai các cuộc điều tra thống kê quốc gia, các cuộc điều tra thống kê của bộ, ngành còn hạn chế nên chưa tận dụng được lợi thế về chuyên môn của các cơ quan.

Thứ hai, một số bộ, ngành không có tổ chức bộ máy thống kê chuyên trách. Cán bộ làm công tác thống kê chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo một cách chính quy. Do đó khả năng phân tích, đánh giá số liệu thống kê sau khi thu thập, tổng hợp còn nhiều hạn chế.

Thứ ba, kinh phí ngân sách cấp cho việc thực hiện các cuộc điều tra quốc gia, địa phương, ngành, lĩnh vực còn hạn hẹp; quy định mức chi trong điều tra còn hạn chế, thiếu một số nội dung chi, thủ tục thanh toán chi cho điều tra còn phức tạp...

Từ những bất cập, tồn tại của Luật Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật Thống kê là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định nội dung cần sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê tại thời điểm này phải bảo đảm một số yêu cầu sau: phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội của quốc gia; phù hợp với thực tiễn Việt Nam; phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia có 230 chỉ tiêu (nhiều hơn 44 chỉ tiêu so với Luật Thống kê hiện hành) và được chia theo 20 lĩnh vực: 1) Đất đai, dân số; 2) Lao động, việc làm; lãnh đạo, quản lý; 3) Doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; 4) Đầu tư và xây dựng; 5) Tài khoản quốc gia; 6) Tài chính công; 7) Tiền tệ và bảo hiểm; 8) Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; 9) Công nghiệp; 10) Thương mại, dịch vụ; 11) Chỉ số giá; 12) Giao thông vận tải; 13) Công nghệ thông tin và truyền thông; 14) Khoa học và công nghệ; 15) Giáo dục; 16) Y tế và chăm sóc sức khỏe; 17) Văn hóa, thể thao và du lịch; 18) Mức sống dân cư; 19) Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp; 20) Bảo vệ môi trường.

 

 Theo tạp chí KH&CN Việt Nam

@latest_posts(['rows' => $latestPosts]) @endlatest_posts
video photo

Liên kết website