Ngày đăng: Thứ ba, 29/03/2022
Xem với cỡ chữ

Khả năng đối kháng nấm bệnh hại cây trồng của nấm Trichoderma spp.

(Ảnh: minh hoạ)

Trichoderma spp. vừa có khả năng phân giải cellulose vừa có khả năng đối kháng lại một số nấm gây bệnh ở thực vật nên việc sử dụng Trichoderma spp trong sản xuất phân bón là lựa chọn tốt, giúp bảo vệ cây trồng, tăng thu nhập, giảm chi phí đầu tư, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Khi sử dụng Trichoderma spp. sẽ giúp phân hủy phân bón nhanh chóng, cellulose được chuyển hóa thành các dạng hợp chất hữu cơ mà cây trồng hấp thu được trực tiếp (Luis H.F.Do Vale et all, 2014).

Trichodermaspp có khả năng đối kháng được với nấm bệnh nhờ vào nhiều cơ chế khác nhau, chúng ta có thể khái quát thành 3 cơ chế chính sau:

 + Kháng sinh: Chúng tạo ra chất có hoạt tính tương tự như “thuốc kháng sinh” có tác dụng kìm hãm sự tăng trưởng của tác nhân gây bệnh.

+ Cạnh tranh: Trichoderma spp. sử dụng một nguồn tài nguyên (dinh dưỡng, không gian sống) với các sinh vật gây bệnh nhưng Trichoderma spp “xâm chiếm” môi trường trước khi tác nhân không mong muốn đến.

+ Ký sinh: Tức giết chết các loài gây bệnh bằng cách xâm nhập vào bên trong loài nấm gây hại hoặc tiết ra những chất (enzyme) để phân hủy chúng (Nguyễn Đình Khôi Nguyên, 2009).

Năm 1932, Weinding đã mô tả hiện tượng nấm Trichoderma spp. ký sinh nấm bệnh gây bệnh và đặt tên cho hiện tượng đó là “giao thoa sợi nấm”. Hiện tượng giao thoa gồm ba giai đoạn như sau:

(1) Sợi nấm Trichoderma spp. vây quanh sợi nấm gây bệnh.

(2) Sợi nấm Trichoderma spp. thắt chặt lấy các sợi nấm gây bệnh.

(3) Cuối cùng là sợi nấm Trichoderma spp. đâm xuyên làm thủng lớp tế bào của nấm gây bệnh, làm cho chất nguyên sinh trong nấm gây bệnh bị phân hủy và dẫn đến nấm bệnh bị chết (Gary J. Samuels, 9-2005).

Quan sát dưới kính hiển vi, hiện tượng ký sinh của nấm Trichiderma spp. được mô tả như sau: tại những điểm nấm Trichoderma spp. tiếp xúc với nấm bệnh đã làm cho nấm bệnh bị teo lại và chết. Ngược lại, ở những điểm không tiếp xúc với nấm Trichoderma spp., nấm bệnh vẫn chết thì các nhà nghiên cứu cho là tác động của chất kháng sinh tiết ra từ nấm Trichoderma spp. sinh ra đã gây độc cho nấm bệnh.

Quá trình đó được gọi là kí sinh nấm, Trichoderma spp. tiết ra một số enzyme làm tan vách tế bào của các loài nấm khác. Sau đó nó có thể tấn công vào bên trong loài nấm gây hại đó và tiêu thụ chúng

Ngoài chất độc là các chất trao đổi và các kháng sinh ra, Trichoderma spp. còn có thể tiết ra nhiều enzyme khác nhau như exo và endoglucanase, cellulase và chitnase có khả năng phân hủy thành tế bào của nấm bệnh. Trichoderma spp. cũng như một số nấm mốc khác như Gliocladium, Calvatia có khả năng sinh tổng hợp lượng enzyme chitinase cao. Chitinase có chức năng phân hủy chitin. Đây là thành phần chính cấu tạo vách tế bào nấm, yếu tố rất quan trọng trong hoạt động ký sinh nhằm đối kháng lại các loại nấm gây bệnh.

Hoạt động đối kháng của Trichoderma spp. mang tính phòng ngừa nhiều hơn, vì vậy Trichoderma chỉ hoạt động hiệu quả khi nó “định cư” trước khi các loài nấm bệnh xâm nhập, nó cho phép tạo thành lớp màng bảo vệ vùng rễ cây tránh khỏi sự xâm nhập của nấm bệnh (Gary J. Samuels, 9-2005)

BBT-TTUD

TAGS : Khoa học
@latest_posts(['rows' => $latestPosts]) @endlatest_posts
video photo

Liên kết website