Theo Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, trong những năm gần đây, trồng cây dược liệu trên vùng đất chuyên trồng lúa là một hướng sản xuất mới. Chuyển hướng sang trồng cây dược liệu theo quy trình sạch để cung cấp nguồn nguyên liệu đạt chuẩn cho doanh nghiệp chế biến được coi là điểm sáng cho ngành dược liệu nói chung và cho vùng đất lúa nói riêng.

Trong những năm qua, một số loại cây dược liệu được đánh giá là phù hợp với đồng đất Thái Bình, cho hiệu quả cao và có liên kết bao tiêu sản phẩm với các công ty dược như cây cà gai leo, đinh lăng, địa hoàng,...
Với sự hướng dẫn, hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm từ phía doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng (Quỳnh Phụ), anh Nguyễn Đình Thuật thôn Tài Giá, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ đã làm chủ cánh đồng dược liệu trồng cây cà gai leo. Đây cũng là một trong số ít mô hình chuyển đổi có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp. Với diện tích 4 ha, mỗi lứa anh Thuật thu hoạch 8 tấn cà gai leo khô. Toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch được phía công ty Trà Thái Hưng thu mua. Với giá 35 triệu/tấn, bình quân mỗi lứa anh Thuật thu về 280 triệu đồng. Cây Cà gai leo là cây sống lâu năm trồng 1 lần có thể thu hái 3 lứa/năm trong thời gian từ 3-4 năm. Không như lúa, ngô cây cà gai leo là loại cây trồng gần như không có sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp và kỹ thuật lại đơn giản, lợi nhuận cao gấp nhiều lần.
Một số loại cây dược liệu đã được coi là điểm sáng giúp đánh thức những vùng đất bị bỏ hoang nhiều năm vì trồng cấy lúa, cây màu kém hiệu quả. Điển hình như mô hình trồng cây Đinh lăng của anh Nguyễn Nhật Duật, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ. Sau 3 năm đầu tư sản xuất đến cuối năm 2018 thu lứa Đinh lăng đầu tiên với diện tích 15 sào. Mỗi sào thu 500 - 600 cây với giá bán 25.000 đồng/kg tươi, cho doanh thu 150-180 triệu đồng/sào, với thị trường tiêu thụ là Công ty dược phẩm Traphaco, công ty dược Hải Hà Thái Bình. Sau khi trồng tại Thái Bình cho thấy, cây đinh lăng dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng yêu cầu phải làm luống cao, thoát nước tốt và sau trồng ít nhất 3 năm mới thu hoạch được nên ảnh hưởng đến tâm lý nông dân khi đầu tư ban đầu. Do đó, để phát triển được cần có sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, ban quản trị HTX như đứng ra cung cấp giống, hướng dẫn về kỹ thuật, liên kết các doanh nghiệp tổ chức bao tiêu sản phẩm... cho người dân.
Như vậy, trồng cây dược liệu cũng là một trong những hướng đi mới nhiều triển vọng cho những vùng đất ruộng bỏ hoang, trồng lúa kém hiệu quả của tỉnh hiện nay. Đây cũng là nền tảng để xây dựng và phát triển chuỗi giá trị dược liệu một cách hiệu quả và bền vững tại Thái Bình./
Nguồn: https://www.mard.gov.vn